TOP 10 LOẠI THỰC PHẨM GIÚP BÉ HẤP THU TỐT VÀ TĂNG CÂN HIỆU QUẢ
Nguyên nhân trẻ nhỏ kém hấp thu
Kém hấp thu là hội chứng không thể hấp thụ hết các dưỡng chất từ đường dạ dày ruột. Trẻ có thể kém hấp thu đối với một số loại chất như protein, vitamin, lipid,… hoặc kém hấp thu mọi loại chất.
Quá trình kém hấp thu ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ tiêu hóa, đồng thời tác động xấu đến khả năng tăng trưởng, phát triển toàn diện của trẻ nhỏ. Khi trẻ kém hấp thu thì cho dù chế độ ăn uống có đầy đủ dưỡng chất, trẻ vẫn bị thiếu hụt dinh dưỡng và kéo theo nhiều vấn đề về sức khỏe.
Thông thường, trong quá trình tiêu hóa, các chất dinh dưỡng của thức ăn sẽ được hấp thụ ở ruột non, sau đó đưa vào trong máu, đến các mô, cơ, cơ quan giúp hỗ trợ thực hiện các chức năng trao đổi chất, duy trì sự sống, xây dựng, phát triển toàn diện cơ thể.
Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ kém hấp thu và khi đó thực phẩm giúp bé hấp thu tốt là điều ba mẹ nên tìm hiểu
Sự tiêu hóa bao gồm quá trình cơ học và quá trình biến đổi hóa học thức ăn nhờ enzym. Bởi vậy, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ nhỏ kém hấp thu như phương pháp bổ sung dinh dưỡng không phù hợp, cách thức chế biến không hợp lý, thời gian ăn không khoa học, trẻ suy dinh dưỡng,… Bên cạnh đó, việc cơ thể thiếu các loại enzyme cũng khiến trẻ nhỏ tiêu hóa kém, dẫn đến hấp thu kém.
Cha mẹ có thể nhận biết tình trạng trẻ kém hấp thu qua một số triệu chứng như đầy bụng, khó tiêu, thay đổi tính chất phân (phân sống, phân nhạt màu, phân mỡ,…), táo bón,. Nếu kém hấp thu nghiêm trọng, bé có thể bị tiêu chảy, thường xuyên đi ngoài, mệt mỏi, sụt cân, chậm phát triển thể chất.
Trẻ ở độ tuổi ăn dặm thường dễ gặp phải tình trạng kém hấp thu do chuyển đổi chế độ ăn từ sữa sang các loại thức ăn khác sữa. Việc thiếu hụt men vi sinh trong chế độ ăn mới khiến cho khả năng hấp thụ của bé giảm sút, gây rối loạn tiêu hóa. Do đó, khi bố mẹ chăm sóc trẻ ở giai đoạn ăn dặm cần thường xuyên chú ý đến dinh dưỡng và biểu hiện của bé để kịp thời khắc phục.
10 loại thực phẩm giúp bé hấp thu tốt hơn
Theo BS.CKII Đinh Thị Kim Liên, khắc phục hội chứng kém hấp thu của trẻ bằng chế độ ăn là giải pháp đơn giản nhưng hiệu quả và an toàn mà cha mẹ có thể áp dụng ngay tại nhà. Một chế độ ăn khoa học với các thực phẩm phù hợp sẽ hỗ trợ ruột hàn gắn tổn thương nếu có, làm sạch ruột khỏi chất ứ đọng và chất nhầy dư thừa.
Khi thực hiện chế độ ăn với các thực phẩm giúp trẻ hấp thu tốt, cha mẹ cần lưu ý loại bỏ những thực đơn quá nhiều chất béo, chất xơ và sữa. Trong chế độ ăn của trẻ cần tăng cường các loại chất lỏng, vitamin và các loại khoáng chất. Cụ thể là 10 loại thực phẩm giúp bé hấp thu tốt hơn như sau:
1. Các loại trái cây
Khi trẻ gặp hội chứng kém hấp thu, bố mẹ nên tăng cường các loại trái cây trong thực đơn của trẻ. Bởi các loại trái cây là nguồn cung cấp vitamin, khoáng chất tuyệt vời. Bên cạnh đó, các loại trái cây còn có hàm lượng nước cao giúp trẻ dễ tiêu hóa và hấp thu. Bố mẹ có thể tham khảo chọn các loại trái cây giàu dinh dưỡng như cam, bưởi, táo, việt quất, dâu tây, chuối,… hoặc kết hợp nhiều loại dựa trên sở thích của trẻ. Ngoài cách ăn trực tiếp, bố mẹ có thể chế biến hoa quả, trái cây thành sinh tố, nước ép,…
2. Gạo
Gạo là một trong các loại thực phẩm chứa tinh bột vô cùng phổ biến và dễ tiêu hóa. Ngoài ra, gạo còn có khả năng hỗ trợ tiêu hóa các loại thực phẩm khác. Cha mẹ có thể chế biến gạo thành các món cơm, cháo dinh dưỡng thơm ngon, bổ dưỡng để kích thích sự thèm ăn đồng thời tăng khả năng hấp thụ tinh bột của trẻ.
3. Các loại cá
Cá là một trong những nguồn cung cấp đạm cho cơ thể, chứa nhiều axit omega-3 – một loại axit có lợi mà cơ thể không có khả năng tự tổng hợp, rất tốt cho mắt, hệ tim mạch và cải thiện sức khỏe của hệ thần kinh. Thói quen ăn cá rất tốt cho sức khỏe nhờ có hàm lượng dinh dưỡng cao, đồng thời cá còn có hương vị thơm ngon và dễ chế biến.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, cá và các sản phẩm từ cá là loại thực phẩm có lợi cho sức khỏe. Cá chứa nhiều loại dưỡng chất thiết yếu như protein, vitamin D,… Ngoài ra, cá còn dễ tiêu hoá hơn các loại thịt. Do đó, đây là một trong những thực phẩm giúp bé hấp thu tốt hơn.
Bố mẹ nên lựa chọn các loại thực phẩm giúp bé hấp thu tốt
4. Thịt gà
Thịt gà chứa chất béo bão hòa thấp, giúp trẻ dễ dàng tiêu hóa. Khi thịt gà được nấu chín đúng cách, nó có thể trở thành một trong những loại thực phẩm giúp trẻ hấp thu tốt. Khi mẹ luộc hoặc trộn các thức ăn với nước dùng gà, các enzyme có trong thịt gà có thể làm dịu cảm giác khó chịu trong dạ dày. Thịt gà còn là loại thịt giàu Selenium, một loại khoáng chất quan trọng có khả năng tăng cường trao đổi chất trong cơ thể, đồng thời giúp tăng cường hệ miễn dịch. Vitamin B6 có trong thịt gà cũng có tác dụng đẩy nhanh quá trình tiêu hóa, tăng tốc độ trao đổi chất.
5. Các loại hạt và đậu
Ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu chứa khá nhiều chất xơ, vitamin, khoáng chất quan trọng như kali, kẽm, sắt và magie. Bên cạnh đó, các sản phẩm này cũng là một nguồn cung cấp đạm tuyệt vời, cần thiết đối với sự phát triển, tăng trưởng, chức năng hệ miễn dịch và sức khỏe tổng thể của trẻ nhỏ. Bố mẹ có thể sử dụng ngũ cốc, đậu nảy mầm nấu chín làm bữa chính hoặc thêm vào các món ăn phụ. Ngoài ra, bố mẹ có thể sấy khô, nghiền thành bột để làm nguyên liệu làm bánh. Nhiều nghiên cứu cho thấy, các loại hạt nảy mầm có hàm lượng dinh dưỡng cao hơn và đặc biệt có lợi cho sức khỏe.
6. Thực phẩm chứa men
Trong khẩu phần ăn của trẻ, bố mẹ nên chọn lựa thực phẩm giúp bé hấp thu tốt hơn có chứa men vi sinh như sữa chua, sữa chua uống. Men vi sinh giúp trẻ bổ sung thêm lợi khuẩn, thúc đẩy quá trình tiêu hóa nhanh chóng và hiệu quả hơn. Ngoài ra, các vi khuẩn có lợi trong sữa chua, sữa chua uống còn giúp cải thiện sự rối loạn đường ruột, đồng thời duy trì cân bằng cho hệ tiêu hóa khỏe mạnh.
7. Các thực phẩm giàu vitamin
Vitamin trong cơ thể có khả năng bảo vệ tế bào khỏi sự tấn công của các tác nhân nhiễm trùng nhờ có đặc tính chống quá trình oxy hóa, khử độc, sửa chữa lại các cấu trúc bị tổn thương. Vitamin tham gia hỗ trợ điều trị các bệnh lý cơ thể trong đó có hội chứng kém hấp thu từ đó tăng cường sức khỏe cho cơ thể.
Để bổ sung vitamin, bố mẹ nên chọn các loại thực phẩm trái cây, rau củ giàu vitamin như chuối, táo, cam, bưởi, súp lơ xanh, cà rốt,… Thừa hoặc thiếu vitamin đều có thể gây nên những bệnh lý ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ, do đó bố mẹ cần chọn lựa thực đơn cân bằng, khoa học giữa các chất dinh dưỡng.
8. Các thực phẩm chứa chất xơ hòa tan
Các tổ chức y tế hàng đầu đều khuyên rằng cả trẻ em và người lớn nên bổ sung khoảng 14gr chất xơ cho mỗi 1000 calo. Thông thường trẻ nhỏ từ 1-3 tuổi nên ăn 19gr, trẻ nhỏ từ 4-8 tuổi nên ăn 25gr chất xơ mỗi ngày.
Chất xơ chia làm hai loại: xơ hòa tan và không hòa tan. Bên cạnh việc chất xơ tốt cho hệ tiêu hóa của trẻ thì việc sử dụng quá nhiều chất xơ không hòa tan ở trẻ kém hấp thu cũng làm trẻ đầy bụng, khó tiêu, táo bón và tình trạng kém hấp thu nặng hơn. Chất xơ hòa tan là một loại chất có tính mềm, dính, có khả năng hấp thụ nước trong ruột. Ngoài việc hỗ trợ hình thành khối phân, làm mềm phân, chất xơ hòa tan còn là thức ăn cho các vi sinh vật có lợi đường ruột, từ đó giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh. Bố mẹ nên sử dụng các thực phẩm chứa chất xơ hòa tan thân thiện với hệ tiêu hóa của trẻ em bao gồm yến mạch, cà rốt, đậu Hà Lan, táo, chuối, các loại trái cây thuộc họ cam, quýt, các loại rau củ có độ nhớt như rau mồng tơi, đậu bắp, mướp… cải bó xôi, bông cải xanh… Tuy nhiên không nên bổ sung quá nhiều chất xơ cho bé vì có thể làm phản tác dụng, khiến trẻ bị táo bón, khó tiêu.
9. Các thực phẩm giàu khoáng chất
Khoáng chất là những vi chất không thể thiếu trong cơ thể con người như sắt, kẽm, magie, kali, selen, natri, canxi, photpho,… Khoáng chất có vai trò tương tự như vitamin, mặc dù chỉ chiếm một lượng nhỏ nhưng các khoáng chất có ảnh hưởng lớn đến quá trình trao đổi chất trong cơ thể.
Bên cạnh đó, khoáng chất còn có vai trò quan trọng trong cân bằng các loại chất lỏng, duy trì sự phát triển của xương cơ, hỗ trợ cho chức năng hệ thần kinh. Một chế độ ăn khoa học cần cân bằng hợp lý giữa các loại khoáng chất. Các bậc phụ huynh cần lựa chọn các thực phẩm giàu khoáng chất như chuối, khoai lang, cá, thịt bò,…
10. Nước
Bên cạnh các thực phẩm giúp bé hấp thu tốt, ba mẹ cũng cần quan tâm đến việc bổ sung nước cho trẻ.
Khi trẻ được bổ sung quá nhiều dưỡng chất mà không đủ chất lỏng, các loại thực phẩm sẽ giống như keo dính trong đường ruột làm giảm khả năng tiêu hoá, hấp thu của trẻ. Tình trạng này sẽ làm cho trẻ kém hấp thu hơn, vì vậy bố mẹ cần chắc chắn phải cho trẻ uống nhiều nước trong ngày. Bố mẹ có thể tham khảo số ly nước cần uống trong ngày dựa theo số tuổi của trẻ dưới đây. Nếu gia đình sống ở nơi có khí hậu nóng, trẻ thường xuyên vận động thể lực thì sẽ cần bổ sung thêm.
Tuổi |
Số ly nước uống trong ngày |
1 | 1 |
2 | 2 |
3 | 3 |
4 | 4 |
5 | 5 |
6 | 6 |
7 | 7 |
8 | 8 |
9 và lớn hơn | 8 |
Ngoài ra, bố mẹ cần chú ý chia nhỏ các khẩu phần ăn, tránh để cho bé ăn quá nhiều trong một bữa, ảnh hưởng đến khả năng tiêu hóa và hấp thu của ruột.