Bí quyết dạy con ngoan mà không cần roi vọt
Bí quyết dạy con ngoan mà không cần roi vọt
Thay vì ép buộc và tạo nên tâm lý chống đối ở trẻ, cha mẹ có thể dạy con bằng nhiều cách thú vị khác nhau.
Tìm kiếm những ưu điểm: Không ai thích bị chỉ trích, đặc biệt là trẻ em. Vì thế, thay vì giận dữ và khiến trẻ không dám nói ra những điều chúng nghĩ, cha mẹ nên dịu dàng phân tích cho con hiểu để con nhận ra những ưu điểm, nhược điểm của mình.
Đưa ra lựa chọn: Khi bạn nặng lời và ép buộc trẻ làm việc gì đó, dù con có chấp nhận thực hiện lúc đó nhưng điều này sẽ dễ gây nên tâm lý chống đối ở trẻ và khiến chúng làm một cách miễn cưỡng.
Bạn nên cho con lựa chọn, tất nhiên là đối với những vấn đề đơn giản mà trẻ có thể tự quyết định. Điều này vừa giúp bạn kiểm soát được hành vi của trẻ, vừa giúp con thêm tự tin hơn.
Đừng coi mọi việc trẻ làm đều không quan trọng: Cha mẹ đôi khi cho rằng mình có quyền can thiệp mọi thứ vào cuộc sống của con. Tuy nhiên, bất cứ ai cũng cần tôn trọng sở thích và không gian riêng, kể cả trẻ nhỏ. Hãy thử tưởng tượng bạn sẽ cảm nhận thế nào nếu ở vị trí của con?
Cho trẻ tự do sáng tạo: Khi người lớn chơi cùng trẻ nhỏ, họ thường muốn trẻ phải tuân theo các quy tắc của trò chơi đã được đặt ra từ lâu. Chúng ta cho rằng ép trẻ thực hiện các quy tắc là một cách giáo dục tốt bởi khi trẻ trưởng thành, có rất nhiều quy tắc "cần thiết" chúng phải tuân theo dù không muốn.
Nhưng người lớn thường tư duy theo khuôn mẫu trong khi trẻ em luôn muốn được sáng tạo. Vì thế, hãy để mọi thứ diễn ra theo cách trẻ muốn bởi biết đâu quy tắc mới khiến trò chơi thú vị hơn. Còn nếu không, đó là một cách hay để dạy trẻ hiểu rằng: sáng kiến mới không nhất thiết phải tốt hơn cái cũ nhưng vẫn đáng để thử.
Đừng cố gắng giúp con mọi việc: Bạn có thể kiên nhẫn trong bao lâu khi thấy con làm việc gì đó quá lâu và liên tục mắc lỗi. Chắc hẳn bạn chỉ muốn tự mình làm luôn cho nhanh. Tuy nhiên, cha mẹ không nên "áp đặt" sự giúp đỡ của mình lên con cái trừ khi trường hợp đó thực sự cần thiết.
Nếu bạn muốn con tự tin hơn, hãy học cách kiên nhẫn và chỉ giúp đỡ khi trẻ yêu cầu. Câu nói "Để bố/mẹ làm cho" không khiến con bạn trở nên tốt hơn mà chỉ khiến trẻ thiếu kỹ năng tự lập và không biết học hỏi từ những sai lầm của bản thân.
Tìm kiếm lời khuyên: Khi bạn được người khác tham khảo ý kiến, bạn sẽ thấy mình được coi trọng. Điều này cũng đúng với trẻ bởi ở tuổi này, con luôn muốn được thể hiện nhiều hơn trách nhiệm của bản thân.
Đôi khi việc tham khảo suy nghĩ của con cái sẽ giúp cha mẹ dễ dàng đưa ra quyết định hơn. Con bạn cũng cảm thấy chúng giống như người lớn và được tôn trọng ý kiến.
Đồng cảm với trẻ: Khi con bạn tâm sự về các vấn đề của chúng, bạn thường cảm thấy tội nghiệp cho chúng và muốn dạy dỗ chúng ngay lập tức. Những câu nói kiểu như: "Bố/mẹ đã bảo con rồi mà!" thường rất dễ dàng thốt ra nhưng chúng ta không biết rằng mình đang đẩy con ra xa hơn thay vì cùng con giải quyết vấn đề.
Đừng đứng ở vị trí từ trên nhìn xuống và coi nhẹ những lo lắng của trẻ. Hãy gần gũi và thân thiết hơn với con. Nếu con bạn muốn khóc, hãy để chúng khóc. Hãy để con hiểu rằng bạn coi trọng cảm xúc của con và sẽ cùng con tìm phương án giải quyết khi con đã đủ bình tĩnh.
Dạy trẻ bằng những cách khác nhau: Thay vì ép buộc và tạo nên tâm lý chống đối ở trẻ, cha mẹ có thể dạy con bằng nhiều cách thú vị khác nhau. Giáo dục trẻ thông qua các nhân vật trong các câu chuyện hoặc bộ phim mà trẻ thường xem sẽ khiến chúng nhìn nhận các vấn đề đơn giản và sáng tạo hơn.
Luôn hài hước: Cuộc sống không phải lúc nào cũng dễ dàng và suôn sẻ…
nhưng cha mẹ nên giúp con nhận ra rằng nhiều vấn đề có thể được giải quyết nhanh hơn và hiệu quả hơn không phải qua các quy tắc mà chính là nhờ vào sự hài hước.