Go for your Goal

Quý Khanh Group

Việt Nam 日本語
10/07/2023

8 lợi ích khi dạy nấu ăn cho trẻ em

Top 8 lợi ích khi dạy nấu ăn cho trẻ em

Đa phần nhiều phụ huynh Việt cho rằng trẻ không nhất thiết phải biết nấu ăn ngay từ nhỏ. Bởi các dụng cụ nhà bếp đôi khi sẽ không an toàn cho bé. Bên cạnh đó, nhiều ba mẹ sẽ nghĩ bé chỉ cần học và chơi còn chuyện bếp núc không phải là việc mà trẻ nhỏ cần quan tâm, tìm hiểu. Tuy nhiên, trên thực tế việc cho bé tiếp xúc với nấu ăn sẽ giúp trẻ học được rất nhiều kiến thức, không chỉ kỹ năng nấu ăn mà những kỹ năng mềm bổ ích khác cũng sẽ được bồi đắp. Hãy cùng khám

phá 8 lợi ích khi dạy nấu ăn cho trẻ em trong bài viết dưới đây để hiểu hơn những giá trị mà việc nấu nướng đem lại cho trẻ ba mẹ nhé!

Việc cho bé tiếp xúc với nấu ăn sẽ giúp trẻ học được rất nhiều kiến thức

I. Lợi ích khi dạy nấu ăn cho trẻ em

1. Tạo cơ hội để trẻ được khám phá

Đâu cần phải ra ngoài kia mới được gọi là khám phá khi ở ngay trong gian bếp của gia đình, bé cũng có thể tìm tòi, học hỏi nhiều điều thú vị, mới lạ. Theo đó, khi ba mẹ cho bé tham gia vào công việc bếp núc với những hoạt động đơn giản như rửa rau củ, trái cây,... bé sẽ có thể ghi nhớ và gọi tên các nguyên liệu. Ngoài ra, nếu muốn bồi dưỡng ngôn ngữ Anh cho bé, ba mẹ cũng có thể khuyến khích trẻ gọi tên những dụng cụ, nguyên vật liệu bằng tiếng Anh. Phương pháp này sẽ giúp bé ghi nhớ nhanh hơn, lâu hơn những kiến thức được học.

Ngoài ra, ba mẹ có thể dạy trẻ những phương pháp nấu nướng như chiên, xào, hấp, luộc,... Ba mẹ có thể truyền đạt cho bé món ăn nhiều dinh dưỡng, những món ăn nào nên kết hợp với nhau, những món ăn kỵ nhau. Các kiến thức này sẽ từ từ thấm nhuần vào tâm trí bé để sau này bé có thể vận dụng vào quá trình nấu nướng của mình, giúp trẻ cảm thấy tự tin khi làm chủ căn bếp.

Kỹ năng nấu ăn tạo cơ hội để trẻ được khám phá

2. Rèn luyện kỹ năng vận động cho trẻ

Các thao tác trong quá trình phụ giúp nấu nướng sẽ giúp trẻ phát triển khả năng vận động hiệu quả. Cụ thể, sự khéo léo của đôi bàn tay sẽ được nâng cao đáng kể khi trẻ nhặt rau, lau dọn, rửa chén, đánh trứng, nặn bánh trộn nguyên liệu,... Hơn nữa, thay vì liên tục sử dụng các thiết bị điện tử vào thời gian rảnh rỗi, việc phụ mẹ nấu nướng sẽ giúp cơ thể bé được vận động, từ đó trở nên khỏe mạnh, nhanh nhẹn, hoạt bát hơn.

3. Tạo thói quen phân bổ công việc hợp lý

Để có được những món ăn ngon nghi ngút khói trong quá trình nấu nướng, người đầu bếp cần tuân thủ những thứ tự chế biến cụ thể, rõ ràng. Theo đó, trong suốt quá trình nấu, sẽ luôn có sự tính toán nên nấu món nào trước, nấu món nào sau, bỏ nguyên liệu nào vào trước, nguyên liệu nào vào sau. Do đó, khi tham gia vào công việc bếp núc, bé sẽ có được thói quen quan sát, được chỉ dạy sắp xếp hợp lý những bước từ sơ chế đến nấu nướng, từ đó tạo được thói quen phân bổ công việc một cách logic ngay từ khi còn nhỏ.

4. Kích thích cảm hứng ăn uống cho trẻ

Nếu bé là một đứa trẻ không hứng thú với việc ăn uống hoặc không có thói quen ăn rau như đa số các đứa bé khác thì việc khuyến khích trẻ vào bếp chính là phương pháp giúp kích thích cảm hứng ăn uống đối với trẻ. Bởi khi được tự mình nấu nướng, trẻ sẽ chủ động và thích thú ăn những món mà mình đã đích thân chuẩn bị. Hơn nữa, việc được tham gia vào việc bếp núc còn giúp trẻ vận động nhiều, từ đó khiến trẻ nhanh đói và ăn ngon miệng hơn.

 

 

Kích thích trể ăn ngon miệng hơn

5. Nâng cao sự độc lập cho trẻ

Việc trang bị kỹ năng nấu nướng cho trẻ ngay từ sớm sẽ giúp hình thành tính độc lập cho trẻ. Theo đó, khi bé dần lớn lên và có thể tự mình vào bếp một mình, bé sẽ có thể nấu ăn nhằm phục vụ cho bản thân. Như vậy, ba mẹ sẽ không còn phải lo lắng, thấp thỏm về vấn đề ăn uống của con mỗi khi vắng nhà. Hơn nữa, khi lớn lên và đi học xa nhà, kỹ năng nấu ăn còn giúp trẻ tự mình sáng tạo món ngon mà không cần phải đi ăn quán bên ngoài.

6. Dạy nấu ăn cho trẻ em là dạy trẻ cách trân trọng thức ăn, biết ơn người nấu nướng

Khi cho trẻ tiếp xúc với quá trình nấu nướng, trẻ sẽ hiểu rõ việc tạo ra món ăn mất nhiều công sức và thời gian như thế nào. Chính vì thế mà trẻ sẽ biết trân trọng thành phẩm được tạo ra cũng như biết ơn người nấu. Những đứa trẻ biết quý trọng đồ ăn sẽ có ý thức hơn trong việc ăn uống, hiểu được giá trị đồng tiền, trân trọng sức lao động của chính mình và của người khác, từ đó trở thành người có trách nhiệm và sở hữu nhân cách tốt đẹp.

Nấu ăn giúp trẻ trân trọng thức ăn, biết ơn người nấu nướng

7. Tạo thói quen tiết kiệm

Không chỉ giúp tiết kiệm thức ăn, việc dạy nấu ăn cho trẻ còn giúp bé tiết kiệm điện, tiết kiệm nước, tiết kiệm thời gian,... Bởi trong quá trình nấu nướng, ba mẹ sẽ dạy trẻ cách rửa rau sao cho sạch và không lãng phí nước, dạy bé nấu ăn cần đậy nắp để hạn chế sự bốc hơi nhằm đảm bảo nhiệt độ cần thiết,... Có thể bé sẽ không trực tiếp nấu ăn mà chỉ ở cạnh bên phụ giúp việc lặt vặt và quan sát. Thế nhưng những lời chỉ dạy cùng việc trải nghiệm thực tế sẽ giúp bé khắc ghi những kiến thức này trong đầu. Để sau này lớn lên bé sẽ áp dụng những gì được học vào cuộc sống và trở thành người có tính tiết kiệm tốt.

8. Nuôi dưỡng tình cảm gia đình

Chính cuộc sống bận rộn của học hành, làm việc mà đôi khi các thành viên trong gia đình trở nên xa cách. Do đó, việc ba mẹ cùng bé vào bếp sẽ giúp rút ngắn khoảng cách giữa phụ huynh và con cái. Tạo cơ hội để hai thế hệ được trò chuyện cùng nhau nhiều hơn, có những giây phút tâm tình, chia sẻ mọi vấn đề trong cuộc sống. Từ đó, giúp ba mẹ và con cái thấu hiểu, cảm thông cho nhau. Hơn nữa việc cùng ba mẹ nấu ăn còn giúp hình thành ký ức ngọt ngào trong thời thơ ấu của bé, để sau này dù lớn lên những hình ảnh đẹp trong gian bếp sẽ mãi neo đậu trong tâm trí bé.

 

 

Bài viết khác